Với các khuyết điểm này, chả trách vì sao Fan Linux không thể nào thích được Windows

Nhưng khi Windows đã trở nên quá phổ biến, các khiếm khuyết này được phần lớn người dùng phổ thông xem như điều hiển nhiên và chấp nhận sống chung với nó.

Không có gì khó hiểu khi fan của hệ điều hành thường sẽ tìm đủ mọi lý do để chê bai hệ điều hành đối thủ, nhưng đối với Windows, những lời chê bai của fan Linux nhắm vào các khiếm khuyết của hệ điều hành này đều có lý do chính đáng. Đặc biệt là khi nó đến từ chính một người dùng Windows chuyên nghiệp trong thời gian dài.

Jamie Wilson, một cựu chiến binh và cũng là nhân viên IT từng làm việc cho một trong các công ty sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ, nơi mọi công việc đều phải xử lý trên các máy tính Windows. Ngoài ra bản thân anh cũng phải viết phần mềm cho nó, vì vậy có lẽ anh hiểu rõ hơn ai hết những khuyết điểm của hệ điều hành này.

Sau nhiều năm làm việc trên Windows và chịu đựng những khiếm khuyết đó, cuối cùng Wilson đã phải từ bỏ nó và chuyển sang sử dụng Linux (Ubuntu). Kể từ đây, anh có cái nhìn rõ ràng hơn về các khuyết điểm trong cách vận hành Windows khi so với Linux.

 

So sánh giữa Windows và Ubuntu (một bản phân phối của Linux).

 

Dưới đây là các khuyết điểm của hệ điều hành Windows được Wilson chỉ ra trên Quora, đặc biệt khi đặt chúng cạnh Linux. Có thể không ít người trong số chúng ta cũng từng cảm thấy những khiếm khuyết này thật kỳ cục, nhưng dường như nó đã tồn tại đủ lâu và quá phổ biến đến nỗi mọi người cảm thấy nó như một phần tất yếu vậy. Ví dụ như:

– Khả năng tự quản lý: Cứ sau khoảng 18 tháng, tôi lại phải xóa toàn bộ ổ đĩa và cài đặt lại hệ điều hành cùng mỗi ứng dụng trên nó, bởi vì Windows trên máy tính đã chậm đi đáng kể. Đối với tôi, điều này thật kỳ cục khi hệ điều hành không thể tự quản lý bản thân nó mà không cần đến sự can thiệp cực đoan đến như vậy.

– Quản lý file hệ thống: File hệ thống của Windows tốn không gian một cách đáng kinh ngạc, và vì vậy nó luôn cần chống phân mảnh (defragging) để vận hành một cách hiệu quả (trong khi đó file hệ thống của hệ điều hành Unix quản lý không gian lưu trữ hiệu quả hơn hẳn để tránh bị phân mảnh).

 

File hệ thống của Ubuntu gọn gàng hơn so với Windows.

 

– Windows Registry: Windows dựa vào cơ sở dữ liệu “Windows Registry” làm trung tâm cho lưu trữ các cấu hình thiết lập – không chỉ hệ điều hành, mà gần như mọi thứ bạn cài đặt. Đối với tôi, điều này là một ý tưởng thực sự tồi tệ.

Điều này nghĩa là mỗi khi bạn cài đặt điều gì đó, bộ registry sẽ ngày càng lớn hơn và cuối cùng kích thước của nó sẽ làm hệ điều hành chậm lại và cần defrag lần nữa. Một số chương trình được viết kém cỏi đến mức dữ liệu registry của chúng làm nghẽn không gian lưu trữ, ngay cả sau khi nó được cài đặt. Tồi tệ hơn, khi registry bị hỏng, nó sẽ làm hỏng mọi thứ.

Điều này đối lập với Linux, khi cấu hình cho mỗi ứng dụng được lưu trữ trong các thư mục và file ẩn. Nếu một phần nào đó bị hỏng, phần còn lại vẫn sẽ an toàn. Và bạn sẽ không phải load lại toàn bộ thiết lập của tất cả mọi thứ, mà chỉ những gì bạn cần.

 

So sánh cách duyệt các file giữa Windows và Ubuntu.

 

– Các ký tự thiếu nhất quán cho ổ đĩa: Tại sao ư? Được rồi, cứ xem ổ C:\ là ổ đĩa chính của bạn. Và trên máy tính của bạn, ổ đĩa quang sẽ là D:\, nhưng khi bạn chuyển sang máy tính khác, nó sẽ lại là ổ E:\, hoặc F:\, hoặc một cái tên nào khác. Hoặc khi bạn cắm USB vào máy tính của mình, nó sẽ là ổ G:\ nhưng với máy tính công ty, nó sẽ thành ổ M:\. Đây lại là điều Linux đối lập với Windows, khi mỗi ổ sẽ luôn là một đường dẫn nhất quán: /media/tên ổ.

– Nét gạch ngược (hay nét \): Tại sao? Phần còn lại của thế giới máy tính đều dùng nét gạch xuôi (nét /) mà (nếu bạn hay gõ cụ thể đường dẫn web bạn sẽ thấy). Tại sao lại ngược đời thế chứ Microsoft? (nếu thỉnh thoảng bạn phải gõ vài câu lệnh trong Command Prompt, bạn sẽ thấy điều ngược đời này khó chịu như thế nào).

 

Cả thế giới web, Linux và Unix đều dùng gạch xuôi, nhưng một mình Windows dùng gạch ngược.

 

– Thiếu nhất quán trong việc theo dõi và cập nhật phần mềm. Gần như mọi phần mềm bạn cài đặt đều có cách kiểm tra cập nhật riêng. Nhiều phần mềm sẽ kiểm tra cập nhật mỗi khi chạy, một số khác lại kiểm tra định kỳ, một số khác nữa còn chẳng thèm kiểm tra và buộc bạn phải kiểm tra thủ công và tự mình định kỳ kiểm tra. Ngoài ra, nếu bạn có bản cập nhật phần mềm mới, bạn sẽ phải cập nhật riêng cho mỗi phần mềm.

Điều này cũng đối lập với Linux, khi sử dụng các kho chứa (repositories) thường xuyên tự động kiểm tra và bạn có thể cập nhật tất cả cùng lúc mà không cần can thiệp nhiều. Dường như Windows cũng bắt đầu làm điều này từ Windows 8 nhưng có lẽ họ đã chậm chân ít nhất một thập kỷ nay với giải pháp này.

– Khởi động lại sau mỗi lần cập nhật hệ điều hành – hoặc có khi chỉ vì xóa cài đặt hoặc một bộ phận nào đó đang chạy không đúng. Nếu dùng Linux bạn sẽ không phải lo lắng về điều này khi có thể cập nhật mà không cần khởi động lại. Đôi khi bạn có thể chạy đến hàng năm mà không cần khởi động lại. Thử tưởng tượng đến cảnh máy chủ của bạn phải khởi động lại sau vài ngày hoạt động, bạn sẽ thấy điều này kinh khủng đến mức nào.

 

 

– Bảo mật kém: điều này có lẽ không cần phải bàn cãi. Có quá nhiều lý do làm ảnh hưởng đến khả năng bảo mật kém cỏi của Windows. Điều này lại đối lập với Linux (cũng như các hệ điều hành nhân Unix khác) khi chúng được thiết kế để ngày càng bảo mật hơn so với ban đầu.

Nhưng với Wilson, một trong những lý do quan trọng nhất cho việc rời bỏ Windows là khi bạn bè hay gia đình nhờ anh giúp các vấn đề đối với máy tính Windows, anh có thể không ngần ngại nói “Không” với lý do không biết gì về các phiên bản mới nhất của Windows. Thông thường, các vấn đề kỹ thuật mà máy tính Windows gặp phải đều rất phức tạp và khó xử lý, nên nếu có thể nói “không”, anh sẽ thấy nhẹ lòng hơn rất nhiều.

Trên thực tế, dù Windows có nhiều khiếm khuyết hay kém bảo mật đến đâu đi nữa, đây vẫn là hệ điều hành trên máy tính cá nhân phổ biến nhất thế giới với vô vàn ứng dụng và trò chơi được xây dựng xoay quanh nó. Điều đó làm cho người dùng phổ thông bỏ qua hết các khiếm khuyết kể trên và thậm chí còn xem chúng như một điều hiển nhiên khi họ đã quá quen với chúng.

Đây chính là một trong những lý do chính làm cho Microsoft luôn nhẹ tay với nạn dùng Windows lậu. Khi người dùng đã quá quen với nền tảng này, họ sẽ không quan tâm đến các nhược điểm của nó và chấp nhận hệ điều hành này như một tiêu chuẩn bắt buộc.