Ngừng sạc pin điện thoại khi đã đạt mức 80% sẽ giúp kéo dài tuổi thọ của pin hơn về lâu dài. Và không chỉ có các mẫu iPhone chạy iOS, điều này cũng đúng với những chiếc điện thoại Android.
Phiên bản hệ điều hành di động thế hệ tiếp theo của Apple, iOS 13, dự kiến phát hành rộng rãi tới toàn bộ người dùng vào giữa tháng 9 tới, sẽ được tích hợp một kĩ thuật đơn giản nhằm giúp pin điện thoại iPhone của bạn “sống” được lâu hơn: nó sẽ không sạc pin lên đến mức tối đa nữa.
Trong bảng danh sách các tính năng mới của iOS 13, Apple có đề cập tới một thuật ngữ là “tối ưu hoá pin”. Cụ thể, hãng giải thích chức năng này “sẽ làm chậm tình trạng chai pin bằng cách giảm thiểu số lần iPhone của bạn được sạc đầy. iPhone sẽ “học” thói quen sạc pin hàng ngày của bạn, từ đó sẽ chỉ sạc pin điện thoại đầy quá 80% khi nó nhận thấy bạn cần nhiều pin hơn để sử dụng trong thời gian dài“.
Chiếc iPhone nắm rõ về lịch trình làm việc và sinh hoạt hàng ngày của bạn, từ việc khi nào bạn từ công sở về nhà cho đến khi nào thì bạn lên giường đi ngủ. Nhờ những thông tin này, nó có thể đoán được thời điểm nào bạn sẽ cắm sạc điện thoại trong thời gian dài mà không cần sử dụng đến toàn bộ 100% dung lượng pin.
Trên thực tế, nếu bạn (giống như nhiều người dùng điện thoại thông minh khác) cắm sạc cho máy qua đêm, thiết bị sẽ chỉ sạc pin đến một mức độ vừa đủ rồi dừng lại trong thời gian bạn đi ngủ. Còn trong thời gian bạn thức và làm việc, nó sẽ sạc pin đầy hoàn toàn lên 100%.
Tại sao việc chỉ sạc đến 80% sẽ giúp kéo dài tuổi thọ pin hơn? Điều này có liên quan đến cơ chế “chai” của pin lithium-ion, hay Li-ion, qua thời gian. Các viên pin loại này (được sử dụng bên trong chiếc điện thoại iPhone và đa số các thiết bị điện tử khác trên thị trường ở thời điểm hiện tại), sẽ bị chai dần qua mỗi chu kỳ sạc. Chúng chỉ có thể sạc và xả một số lần nhất định mà thôi.
Khi bạn cắm sạc điện thoại của mình liên tục trong một thời gian dài, chúng không đơn giản sạc đầy lên 100% rồi giữ nguyên ở đó. Thay vào đó, điện thoại sẽ dùng năng lượng từ pin để duy trì liên lạc với các cột phát sóng di động xung quanh và nhiều tác vụ nền nhỏ khác. Các tác vụ này sẽ “xả” một ít pin của bạn (dù rất nhỏ), và pin của bạn sẽ cứ sạc một chút rồi lại xả một chút, lặp đi lặp lại như vậy nếu bạn cứ tiếp tục cắm sạc sau khi pin đã đầy. Điều này sẽ làm lãng phí số chu kỳ sạc – xả của pin và làm giảm tuổi thọ pin. Bên cạnh đó, việc cắm sạc khi pin đã đầy còn khiến cho pin của bạn nóng lên. Pin Li-ion “không thích” điều này, bởi nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác.
“Tôi sẽ không đi ngủ và để điện thoại cắm sạc qua đêm,” Phó Giáo sư K.M. Abraham, công tác tại Đại học Northeastern, bang Boston, Mỹ và là một trong những người tiên phong trong công nghệ pin Li-ion cho biết. “Tôi sẽ chỉ sạc lên đến 80 hoặc 90%, rồi rút sạc.”
“Bạn có thể tưởng tượng việc này giống như bạn lấy một cái cốc và liên tục đổ đầy nước lên đến tận miệng cốc trong một thời gian dài,” James Dickerson, giám đốc phụ trách khoa học của trang tin Consumer Reports so sánh. “Đến một thời điểm nào đó, phần miệng cốc sẽ bị mòn dần đi, và cái cốc không thể chứa được lượng nước nhiều như ban đầu được nữa, cũng giống như cục pin không thể giữ được số năng lượng nhiều như lúc nó còn mới được nữa. Và đó là cách mà pin dần dần bị “chai” đi.”
Theo các chuyên gia, pin Li-ion sẽ hoạt động tối ưu nhất khi được sạc từ khoảng 40% đến 80% dung lượng của nó. Trong điều kiện hoàn hảo, chúng ta nên sạc điện thoại lên đến 80% pin, rút ra, sử dụng và cắm sạc lại khi dung lượng tụt xuống còn khoảng 40%. Như vậy, tính năng tối ưu hoá pin của Apple sẽ ngăn bạn sạc pin lên quá “giới hạn trên” là 80%, nhưng dĩ nhiên là nó không thể giúp bạn tự tìm ổ điện để cắm sạc vào khi pin tụt xuống dưới “giới hạn dưới” là 40% được!
Đây không phải lần đầu tiên Apple tìm cách giải quyết bài toán về tuổi thọ pin iPhone. Hồi cuối năm 2017, công ty quyết định giảm giá thay pin 50 USD, xuống chỉ còn 29 USD, sau khi hãng bị người dùng phản ứng vì cố tình làm giảm hiệu năng hoạt động của những chiếc điện thoại đã bị chai pin nhằm ngăn ngừa tình trạng thiết bị bị “sập nguồn” bất ngờ.
Mặc dù iOS 13 phải đến giữa tháng 9 mới được phát hành, nhưng một số ứng dụng iOS trong đó có Battery HD+ và Charge Alarm Pro, đã cung cấp tính năng tương tự. Ở bên phía Android, ứng dụng AccuBattery cũng đã được trang bị một chức năng giúp ngăn pin của máy bị sạc đầy quá mức. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa có điều kiện thử nghiệm nên chưa thể xác định hiệu quả của những ứng dụng này.
Ngoài ra, để giúp kéo dài tuổi thọ pin điện thoại, bạn nên tạo thói quen như đừng để điện thoại lâu dưới trời nắng, hay trong xe ô tô vào một ngày nóng. Nhiệt độ trên 35 độ C trong thời gian dài có thể gây ra những tổn hại vĩnh viễn đối với viên pin điện thoại của bạn.
Vậy nếu chỉ sạc pin lên 80% sẽ giúp kéo dài tuổi thọ pin hơn, vậy tại sao các nhà sản xuất điện thoại không tích hợp tính năng như của Apple vào tất cả các dòng sản phẩm của mình từ lâu? Câu trả lời rất đơn giản: Pin điện thoại thường được sử dụng nhiều hơn vào ban ngày, và thời lượng pin trong ngày luôn là ưu tiên hàng đầu của đa số người dùng smartphone.
“Các nhà sản xuất điện thoại không quan tâm đến chuyện tuổi thọ pin thiết bị kéo dài thêm được bao lâu bằng việc làm thế nào để họ “nhồi nhét” thêm 2 giờ sử dụng nữa vào viên pin ấy,” Abraham cho biết. Trong quá khứ, việc kéo dài thời lượng pin có thể được coi là một điều có lợi đối với các nhà sản xuất điện thoại, bởi nhờ chính sách hợp đồng với nhà mạng, mà trung bình, người dùng thông thường sẽ nâng cấp điện thoại sau khoảng 22 tháng sử dụng. Pin điện thoại khi ấy cũng chưa bị “chai” lắm.
Tuy nhiên, thói quen của người dùng đang dần thay đổi. Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Group cho biết trong một vài năm trở lại đây, khoảng thời gian chờ nâng cấp điện thoại của người dùng đã kéo dài hơn khoảng 2 tháng. Trung bình hiện nay, người dùng thường lên đời máy sau khoảng 24,1 tháng.
Có nhiều nguyên nhân có thể lý giải cho thực trạng trên. Bên cạnh sự “thoái trào” của mô hình hợp đồng hai năm với nhà mạng, thì những tính năng như màn hình lớn, hiển thị sáng đẹp, camera chất lượng cao, chống nước đã trở thành tiêu chuẩn mà đa số các mẫu máy (cả flagship lẫn tầm trung) đều sở hữu từ một vài năm nay. Chưa kể, một số thay đổi, chẳng hạn như việc loại bỏ cổng cắm tai nghe 3,5mm, khiến nhiều người cảm thấy không hài lòng và ngần ngại nâng cấp.
Nhìn chung, tốc độ sáng tạo của các nhà sản xuất smartphone đang chậm lại: Sự khác biệt giữa một chiếc điện thoại đời 2010 và 2012 có thể là vô cùng lớn, nhưng sự khác biệt giữa một chiếc smartphone năm 2017 và 2019 dường như không đáng kể.
Do người dùng đang có xu hướng sử dụng điện thoại trong thời gian dài hơn, nên trong tương lai sẽ có ngày càng nhiều nhà sản xuất làm theo Apple.
“Một nhà sản xuất điện thoại thông minh chắc chắn sẽ cân nhắc vấn đề này,” Dickerson kết luận. “Họ sẽ mất khách nếu pin điện thoại nhanh “chết” quá. Khách hàng sẽ nghĩ đó là đặc điểm cố hữu của chiếc điện thoại.“