Thực hư việc Apple siết chặt bảo hành tại Việt Nam

Apple vừa công bố áp dụng các điều khoản bảo hành mới đối với các thiết bị của họ tại thị trường Việt Nam. Theo đó, chủ nhân của iPhone, iPad, MacBook… sẽ bị từ chối bảo hành nếu không có hóa đơn mua hàng.

Theo chính sách mới của Apple, kể từ ngày 1.8, người dùng thiết bị của Apple sẽ chỉ được hưởng chính sách bảo hành chính hãng tại các trung tâm ủy quyền của Apple ở Việt Nam (AASP) nếu họ xuất trình được hóa đơn hợp pháp (có thể sử dụng ảnh chụp) ghi rõ nội dung series, IMEI và số hóa đơn (để kiểm tra chéo) của máy có xác nhận của Apple, kể cả khi gói Apple Care của máy vẫn còn hiệu lực. Nếu không, các trung tâm ủy quyền của Apple có quyền từ chối bảo hành hoặc chuyển qua tính phí dưới dạng khách vãng lai.
Tại Việt Nam, FPT Services hiện đang là đối tác bảo hành được ủy quyền AASP của Apple, là nơi tiếp nhận bảo hành và sửa chữa theo quy trình chính hãng
Chính sách bảo hành của Apple như thế nào?
Ngoại trừ tất cả các dòng MacBook, MacBook Pro, MacBook Air và cả dòng máy tính để bàn Mac Mini hay iMac đều mặc định được hưởng bảo hành toàn cầu. Còn lại, hầu hết các sản phẩm khác và đặc biệt là iPhone được Apple áp dụng chính sách bảo hành riêng dựa theo từng quốc gia và khu vực. Hầu hết iPhone đều được bảo hành tiêu chuẩn 1 năm, trừ một vài thị trường đặc thù như Thổ Nhĩ Kỳ (được Apple đặc cách bảo hành tiêu chuẩn 2 năm) hoặc mua thêm gói bảo hành mở rộng Apple Care.
Ngay tại Mỹ, đã có không ít người phản ánh trên diễn đàn của Apple rằng họ mua iPhone ở Mỹ nhưng khi ra khỏi nước này lại không được hưởng chính sách bảo hành ở nước thứ ba dù vẫn còn hiệu lực, buộc họ phải quay về Mỹ để bảo hành.
Quay lại với thị trường trong nước, ngoài máy tính của Apple, theo chính sách “chính ngạch” thì các trung tâm ủy quyền của Apple tại Việt Nam chỉ nhận bảo hành các sản phẩm của Apple được phân phối qua các kênh chính hãng. Tuy nhiên, có lẽ muốn mở rộng ảnh hưởng của mình tại thị trường phát triển nóng này nên Apple đã khá linh hoạt khi cho phép AASP hỗ trợ bảo hành (một số trường hợp) iPhone, iPad… xách tay, tạo ra nhiều tình huống may rủi và dở khóc dở cười khi đem hàng Apple xách tay đi bảo hành trong nước như nhiều người đã chia sẻ trên mạng.

Hệ quả tất yếu…

Đây không phải là lần đầu Apple sửa đổi chính sách bảo hành tại thị trường Việt Nam, nhưng là lần đầu tiên công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội. Qua động thái này, có lẽ Apple muốn siết chặt và dần tiến tới “giết chết” nguồn hàng xách tay vốn đang dồi dào ở thị trường Việt Nam. Lưu ý thêm rằng, riêng các sản phẩm của Apple được phân phối chính hãng (mã VN/A) qua các đại lý ủy quyền tại Việt Nam thì sẽ không bị yêu cầu xuất trình hóa đơn khi đi bảo hành.