Lịch sử cải tiến camera smartphone qua thời gian

Smartphone ngày nay có khả năng chụp ảnh ấn tượng, tuy chưa thể sánh bằng máy DSLR chuyên nghiệp nhưng vẫn mang lại hình ảnh chất lượng cao. Vậy công nghệ camera đã phát triển như thế nào trong những năm qua? Dưới đây là ghi nhận từ Gizmodo về hành trình tiến hóa của camera trong thời đại smartphone.

1. Độ phân giải cao hơn

Còn nhớ, iPhone 2007 – chiếc điện thoại thay đổi lịch sử ngành di động ra mắt với camera sau chỉ 2 MP và tiêu cự cố định, chụp được ảnh ở độ phân giải vỏn vẹn 1600 x 1200 pixels. Trong khi đó, phần lớn smartphone ngày nay đều có camera từ 8 MP trở lên. Thậm chí, Nokia Lumia 1020 từng được trang bị camera lên đến 41 MP.

Ở thời kỳ sơ khai, số chấm nhiều đồng nghĩa với camera tốt. Nhưng khi công nghệ phát triển, chất lượng camera chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau và “nhiều MP” không còn là điều kiện tiên quyết để có ảnh chụp đẹp.

2. Cảm biến lớn hơn

Cảm biến lớn cũng đồng nghĩa với chất lượng ảnh được cải thiện. Về cơ bản, khi tăng kích thước cảm biến, máy sẽ thu được nhiều ánh sáng hơn và màu sắc cũng chi tiết hơn. Vì vậy, cảm biến hình ảnh là bộ phận rất quan trọng để có những bức ảnh đẹp.

Kích thước cảm biến tăng dần qua từng năm, tuy nhiên do smartphone không có nhiều không gian bên trong, cảm biến dành cho chúng thường có kích thước giữa khoảng 1/2.3 và 1/3 inch, nhỏ hơn nhiều so với máy DSLR.

Nexus 6P là một ngoại lệ. Chiếc máy này sở hữu cảm biến 1/2 inch, thông số rất ấn tượng, đặc biệt là vào thời điểm máy ra mắt (năm 2015). Tuy nhiên, cũng như số MP, khi công nghệ phát triển không ngừng, cảm biến không phải là điều kiện cần duy nhất để hình thành những tác phẩm nghệ thuật ưng ý.

3. Khẩu độ lớn hơn

Khẩu độ kiểm soát lượng ánh sáng lọt vào cảm biến. Trên máy ảnh, khẩu độ được điều chỉnh để tối ưu hóa điều kiện ánh sáng, độ làm mờ và độ sâu trường ảnh mong muốn, nhưng trên smartphone, ống kính bị hạn chế và các nhà sản xuất có xu hướng trang bị khẩu độ lớn nhất có thể, cho phép camera thu được rất nhiều ánh sáng vào ban đêm trong khi vẫn giữ tốc độ màn trập đủ nhanh để ảnh không bị mờ.

Kích thước khẩu độ được đo bằng thông số f/x, trong đó x càng nhỏ thì khẩu độ càng lớn. Mới đây nhất, Galaxy S9 trình làng với camera có thể thay đổi khẩu độ từ f/1.5 đến f/2.4 cho khả năng chụp ảnh sắc nét trong nhiều điều kiện ánh sáng khác nhau.

4. Đèn flash tốt hơn

Có thể không quan trọng như một số thành phần khác, nhưng đèn flash trên điện thoại thông minh cũng đã có bước tiến lớn. Những thiết bị đời cũ, đặc biệt là của Sony và Nokia sử dụng đèn flash Xenon rất sáng nhưng cồng kềnh và thiếu hiệu quả.

Ngày nay, smartphone được trang bị đèn flash LED hoặc flash LED kép để tạo ra hiệu ứng tinh tế hơn. Ở trường hợp đèn flash LED kép, 2 đèn LED được sử dụng với nhiệt độ màu khác nhau nhằm cân bằng màu sắc tốt hơn và giúp ảnh trông tự nhiên hơn.

Năm 2016, hệ thống 4 đèn flash trợ sáng đã xuất hiện. Đến năm 2017, một tính năng có tên Slow Sync được giới thiệu với chức năng giữ cho màn trập mở rộng hơn để thu được nhiều ánh sáng hơn cũng như giảm ánh sáng cần thiết từ đèn flash (vốn chiếu sáng không bằng và trong khi thời gian lại ngắn hơn).

5. Lấy nét nhanh hơn

Lấy nét đóng vai trò quan trọng trong chất lượng ảnh tổng thể. Quá trình này làm đối tượng trở nên đẹp và rõ ràng. Giờ đây, điện thoại có thể tự động lấy nét chính xác và nhanh hơn rất nhiều.

Trước năm 2015, camera điện thoại chỉ tập trung vào độ tương phản mà chúng có thể phát hiện trong một cảnh. Kể từ Galaxy S5 và iPhone 6, lấy nét theo pha được bổ sung. Đây là công nghệ sử dụng thông tin từ cả 2 phía của ống kính để xác định điểm lấy nét hoàn hảo (nơi mà các điểm ánh sáng giao nhau), nhưng nó hoạt động chưa thật sự ấn tượng khi ánh sáng yếu.

Tiếp theo, công nghệ dual pixel xuất hiện (thường thấy trên điện thoại Samsung Galaxy ngày nay). Dual pixel biến mỗi pixel thành một hệ thống lấy nét theo pha nhỏ, cải thiện hiệu suất lấy nét khi trời tối.

Sau đó, đến lượt Google giới thiệu đèn laser hồng ngoại để đo khoảng cách nhanh chóng trong bất kỳ điều kiện ánh sáng khi ra mắt dòng điện thoại Pixel.

6. Ổn định hình ảnh quang học

Ổn định hình ảnh không chỉ giữ đoạn phim ổn định, hạn chế rung mà khi chụp ảnh, công nghệ này giúp màn trập có thể mở lâu hơn nhưng không gặp tình trạng mờ, nhòe và thu thập ánh sáng tốt hơn.

Ở mức cơ bản nhất, ổn định hình ảnh quang học sử dụng ống kính nổi và động cơ điện từ thu nhỏ. Khi công nghệ đạt đến mức tiên tiến hơn, điện thoại có thể kết hợp các dữ liệu khác như thông tin từ con quay hồi chuyển.

Hiện nay, các nhà sản xuất đã phát triển rất nhiều cách để ổn định hình ảnh, cả về cơ khí lẫn phi cơ khí.

7. Camera kép

Khi không thể tăng kích thước ống kính hoặc cảm biến hình ảnh thêm nữa, giải pháp mới được đưa ra là tăng thêm một camera, với HTC One M8, LG G5 hay Huawei P9 là những thử nghiệm đầu tiên.

Bạn có thể áp dụng các hình thức sau cho camera thứ hai: dùng ống kính tele để zoom quang học 2x như iPhone 7 Plus, ống kính góc rộng để bao quát khung cảnh như LG V30 hay cảm biến đơn sắc để thu thập thông tin độ sáng và độ tương phản như Huawei Mate 10 Pro.

Hai camera cũng giúp đo độ sâu dễ dàng hơn nhằm tạo hiệu ứng bokeh làm mờ hậu cảnh đầy ảo diệu. Ngoài ra, những thiết bị cao cấp hiện nay có thể ghi nhận thông tin từ 2 camera cùng một lúc.

8. Cải thiện khả năng xử lý

Phần cứng sẽ được phát huy hiệu quả ở mức tối đa hoặc hơn thế nữa nếu điện thoại có phần mềm tốt, đó là những gì Pixel 2 đã chứng minh. Thiết bị này chỉ tích hợp 1 camera ở mặt sau nhưng chất lượng ảnh không hề thua kém những sản phẩm sở hữu 2 camera.

Ngày nay, phần mềm hiện đại giúp độ noise của ảnh giảm đi đáng kể. Chế độ Portrait Lightning trên series iPhone 2018 cũng sử dụng phần mềm thông minh kết hợp cùng chip A11 Bionic mạnh mẽ cung cấp một thiết lập rất gần với máy ảnh chuyên nghiệp.

Có thể nói, chậm rãi nhưng chắc chắn, sức mạnh xử lý và các thuật toán đang vượt qua những giới hạn vật lý của camera trên smartphone.

Kết

Công nghệ camera smartphone vẫn đang phát triển không ngừng. Cách đây ít ngày, Huawei đã giới thiệu P20 Pro – chiếc điện thoại có 3 camera đầu tiên trên thế giới. Chắc chắn, vẫn còn rất nhiều điều thú vị đang chờ đón chúng ta ở phía trước.

Bạn trông chờ gì ở công nghệ camera smartphone trong tương lai? Cùng chia sẻ cảm nhận thông qua phần bình luận ở bên dưới nhé.