Cảnh báo smartphone cũng giống như… ma túy đối với trẻ em

“Đưa smartphone cho trẻ em cũng giống như đưa cho chúng một gam cocaine”, chuyên gia hàng đầu về trị liệu cai nghiện đã cảnh báo các bậc phụ huynh về tác hại nghiêm trọng của smartphone đối với trẻ em.

Đưa smartphone cho trẻ giải trí là thói quen của không ít người lớn, tuy nhiên điều này gây ra nhiều tác hại cho trẻ hơn nhiều người vẫn tưởng.

Phát biểu tại một hội nghị giáo dục diễn ra tại London (Anh), chuyên gia hàng đầu về trị liệu cai nghiện và các phương pháp phục hồi chức năng người Anh Mandy Saligari cho biết việc dành quá nhiều thời gian để sử dụng smartphone ở độ tuổi vị thành niên cũng gây nghiện nguy hiểm tương tự như ma túy hay rượu.

Tập thói quen cho trẻ tiếp cận smartphone là nguyên nhân khiến trẻ trở nên thụ động và kém năng động về sau

“Tôi luôn nói với mọi người, khi bạn đưa cho con bạn một chiếc máy tính bảng hay điện thoại di động, bạn đang thực sự trao cho chúng một chai rượu hay một game cocaine”, chuyên gia Mandy Saligari phát biểu. “Tại sao chúng ta lại ít để tâm đến những điều đó khi chúng cũng gây ra tác hại đến bộ não trẻ không khác gì rượu hay ma túy”.

Bình luận của Mandy Saligari được đưa ra sau một cuộc khỏa sát tại Anh cho thấy 1/3 trẻ em ở độ tuổi từ 12 đến 15 thừa nhận rằng không có sự cân bằng giữa việc sử dụng thiết bị di động và các hoạt động khác.

Bà Saligari cho biết 2/3 các bệnh nhân tìm đến phòng khám của mình ở độ tuổi từ 16 đến 20 để chữa trị chứng nghiện smartphone. Đây là tỷ lệ tăng đáng kinh ngạc so với 10 năm trước và ngày càng nhiều người ở lứa tuổi trẻ hơn cần đến sự giúp đỡ. Đáng chú ý đó là ngày càng nhiều trẻ em sử dụng smartphone để nhận và gửi những hình ảnh khiêu dâm hoặc truy cập những nội dung không phù hợp với lứa tuổi của mình.

“Rất nhiều bệnh nhân của tôi là những bé gái 13, 14 tuổi thường xuyên nhắn tin có nội dung liên quan đến sex và xem đó như là một điều hoàn toàn bình thường”, Saligari chia sẻ. Bà cho biết thêm nhiều cô gái trẻ tin rằng việc gửi những hình ảnh khỏa thân của mình đến một ai đó thông qua smartphone là điều bình thường và mọi chuyện chỉ trở nên sai trái khi cha mẹ hoặc một người lớn nào đó phát hiện ra.


Trẻ sẽ trở nên “ù lì” , kém nặng động và thiếu phát triển các khả năng tiềm năng nếu cho tiếp xúc sớm với các thiết bị công nghệ

“Nếu trẻ em được dạy cách tôn trọng bản thân thì ít có khả năng bùng nổ bản thân theo cách đó”, bà Saligari chia sẻ. “Đó là vấn đề tự tôn trọng và là một vấn đề về nhận thức”.

Theo Richard Graham, bác sĩ tư vấn tâm lý về cai nghiện công nghệ cho biết vấn đề nghiện smartphone ở trẻ em đang ngày càng được các nhà nghiên cứu quan tâm khi phụ huynh cho biết họ đang gặp khó khăn trong việc tìm ra cách cân bằng giữa cuộc sống và thời gian sử dụng smartphone của con em. Theo một cuộc khảo sát tại Anh thì hơn 40% các phụ huynh có con ở độ tuổi từ 12 đến 15 cho biết khó có thể kiểm soát được thời gian sử dụng smartphone của con em mình, thậm chí những đứa trẻ ở độ tuổi từ 3 đến 4 cũng mất 6,5 giờ mỗi tuần để sử dụng các thiết bị di động.

Ngày càng nhiều trẻ em dành nhiều thời gian cho smartphone thay vì các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh khác

Trước thực trạng này, các chuyên gia tâm lý khuyên các bậc phụ huynh nên có sự giới nghiêm về thời gian sử dụng các thiết bị di động tại nhà, trong khi đó tại trường học cũng có sự quản lý việc sử dụng smartphone của học sinh.


Trẻ thường ngoan hơn khi các bà mẹ cho các bé xem phim nghe nhạc từ smartphone, tablet. Tuy nhiên, mặt trái tai hại là khiến trẻ trở nên nghiện và khó bỏ smartphone

“Với trẻ em và những trẻ vị thành niên, bạn sẽ bị kháng cự, nhưng không có nghĩa là không thể can thiệp được. Các trường học cũng nên yêu cầu học sinh có những khoảng thời gian tránh xa điện thoại của mình”, Saligari chia sẻ. “Nếu bị nghiện smartphone từ quá sớm, bạn có thể dạy những đứa trẻ cách tự điều chỉnh thay vì phải nói cho trẻ chính xác những điều phải làm”.

Tổng hợp