Đây là một số lỗi cơ bản nhất thường xuất hiện sau khi UPS hết thời gian bảo hành.
Đa phần UPS bị lỗi thường chủ yếu đến từ hai thành phần chính đó là Bo mạch và Ắc quy. Đây cũng là hai thành phần tạo nên một UPS hoàn chỉnh và các phụ kiện vỏ máy bên ngoài.
1. Lỗi thường gặp của Bộ Lưu Điện đầu tiên phải nói đến hư hỏng ắc quy
Một số lỗi liên quan đến Ắc quy mà UPS thường gặp là: UPS kêu tít tít rồi tắt, UPS không lên nguồn (Mở UPS không lên), Sạc UPS không lên điện, UPS cúp điện tắt luôn…. Với các lỗi này đa số đều do hư Ắc quy, bạn nên thay ắc quy mới hoặc nhờ đơn vị cung cấp dịch vụ sửa chữa UPS thực hiện giùm.
Mỗi hãng UPS đều có cảnh báo hư hỏng Ắc quy khác nhau nằm trên Panel hiển thị hoặc đơn giản nhất mà bất kỳ ai sử dụng cũng biết đó là khi cúp điện UPS tắt theo luôn hoặc lưu điện rất ít.
Ắc quy bên trong mỗi UPS hiện nay là loại ắc quy khô kín khí không cần bảo dưỡng, hiểu nôm na là loại ắc quy sử dụng mà không cần phải châm nước như ắc quy nước thông thường.
Dưới đây là bảng so sánh giữa ắc quy nước thông thường và ắc quy khô kín khí
Tiêu chí | Ắc quy axít thông thường (loại hở) | Ắc quy axít loại kín khí |
Giá thành | Rẻ hơn so với loại ắc quy kín khí bởi chế tạo đơn giản hơn. | Đắt hơn so với ắc quy thông thường, nhiều hãng phải nhập nước ngoài. |
Cách phân biệt hai loại | Có các nút ở các ngăn bình (dùng để bổ sung nước cất sau quá trình sử dụng), nếu ắc quy 12V thì sẽ có 6 nút này. | Không có nút ở các ngăn bình, thường ghi rõ ắc quy không cần bảo dưỡng ở vỏ bình hoặc tài liệu kèm theo. |
Trạng thái phóng điện | Tương đương nhau | Tương đương nhau, nhưng sau khi phát dòng điện lớn thì ắc quy kín khí thường phục hồi điện áp nhanh hơn, tuy nhiên điều này không ảnh hưởng đến hoạt động của kích điện. |
Trạng thái khi nạp điện và dòng nạp cho phép | – Khi nạp có thể phát ra khí cháy hoặc khí có mùi khói chịu. – Dòng điện nạp lớn nhất chỉ nên bằng 0,1 lần trị số dung lượng ắc quy (Ví dụ loại 100Ah chỉ nên nạp với dòng cao nhất là 10A) | – Khi nạp ắc quy không phát sinh khí ra môi trường bên ngoài nên không có mùi. – Dòng điện nạp có thể lên tới 0,25 lần trị số dung lượng ắc quy (ví dụ loại 100 Ah có thể nạp với dòng lớn nhất là 25A) |
Chế độ bảo dưỡng | – Nếu mức điện dịch từng ngăn ở ắc quy thấp hơn quy định thì phải bổ sung. – Định kỳ phải nạp điện bổ sung cho ắc quy. Chu kỳ nạp định kỳ khoảng 3 tháng/lần nếu không nối với thiết bị tiêu thụ điện. | – Không phải bổ sung điện dịch trong quá trình sử dụng. – Phải nạp điện định kỳ trong thời gian không sử dụng, nhưng chu kỳ nạp định kỳ dài hơn so với loại ắc quy axít thông thường. |
Tuổi thọ | Tuổi thọ thấp hơn so với loại ắc quy kín khí. | Thường có tuổi thọ cao hơn so với ắc quy loại hở thông thường. |
Các yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ Ắc quy đó là:
- Phụ thuộc vào số lần nạp xả điện (Do nhà sản xuất quy định)
- Phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường (nhiệt độ càng cao càng nhanh hỏng)
- Tính năng tự xả (để Ắc quy không sử dụng tự động xả hết điện)
và một số yếu tố môi trường độ ẩm khác… Với các Ắc quy dung lượng từ 20Ah trở xuống, đa phần có tuổi thọ thiết kế từ 3 – 5 năm (theo điều kiện chuẩn).
Vậy Ắc quy trong UPS thường hư hỏng là do đâu?
- Hết hạn sử dụng, tức là đã đạt đến số lần nạp xả trong quá trình sử dụng UPS (thường khoảng 3 – 5 năm)
- Tự xả trong thời gian dài do UPS không sử dụng và không được nạp điện
- Đặt trong môi trường có nhiệt độ cao
- Đặt trong môi trường có hóa chất gây ăn mòn cực bình
- Nạp điện quá điện áp hoặc quá dòng điện của Ắc quy (thường tự đem sạc điện mà không quan tâm đến dung lượng mỗi ắc quy)
Vậy để bảo vệ Ắc quy UPS chúng ta nên:
- Tuân thủ hướng dẫn sử dụng kèm theo mỗi UPS
- Tắt UPS vào cuối mỗi ngày làm việc nếu không sử dụng đên
- Định kỳ xả điện UPS khoảng 1 tháng 1 lần bằng cách cho UPS chạy ắc quy
- Đặt UPS nơi khô ráo thoáng mát, tốt nhất ở 25 độ C
- Nếu UPS không sử dụng đến nên tối thiểu 3 tháng sạc điện một lần
–> Nếu UPS hư hỏng Ắc quy cách khắc phục tốt nhất là nên thay toàn Bộ Ắc quy mới, việc phục hồi Ắc quy đã sử dụng trên 2 năm không đem lại nhiều giá trị.
2. Lỗi thường gặp của Bộ Lưu Điện tiếp theo là hư hỏng Bo mạch UPS
UPS kêu liên tục kèm theo LED đỏ sáng (đối với UPS có Panel hiển thị bằng LED) hoặc LCD báo lỗi kèm theo mã lỗi. UPS không vào điện, cắm điện vào UPS vẫn kêu, UPS mở lên rồi tắt luôn….là dấu hiệu cho chúng ta biết UPS đang bị lỗi bo mạch.
Cảnh báo hư hỏng bo mạch trên mỗi hãng UPS cũng khác nhau, thường sẽ hiển thị mã lỗi trên Panel hoặc người sử dụng có thể biết được bằng cách loại trừ khả năng hư hỏng Ắc quy mà UPS vẫn không hoạt động được.
Bo mạch UPS thường hư hỏng do một số nguyên nhân sau:
- Sử dụng quá công suất trong thời gian dài
- Bụi bám quá nhiều
- Côn trùng chui vào
- Môi trường đặt UPS ẩm ướt có hóa chất ăn mòn
Để bảo vệ Bo mạch chúng ta nên:
- Sử dụng đúng công suất, tốt nhất nên sử dụng khoảng 80% công suất UPS
- Đặt UPS nơi khô ráo, thoáng mát
- Thường xuyên vệ sinh UPS
–> UPS hư hỏng bo mạch thì cách khắc phục phải sửa lại hoặc thay thế nguyên bo.
Mẹo khắc phục lỗi UPS trên dòng sản phẩm Santak TG500VA và TG1000VA:
– Biểu hiện: UPS cắm nguồn vào mà vẫn kêu tít tít (giống như đang chạy ắc quy)
– Nguyên nhân: UPS có thể bị đứt cầu chì
– Khắc phục: Nếu là UPS đời cũ sẽ có cầu chì ở phía sau UPS, việc đơn giản là tháo cầu chì ra và thay cầu chì mới. Nếu là dòng đời mới thì bạn phải tháo vỏ UPS và thay cầu chì trong đó.
Trên đây là các lỗi thường gặp của Bộ Lưu Điện hay gặp phải, ngoài ra còn nhiều hư hỏng khác nhưng ở đây chúng tôi chỉ nêu ra 2 hư hỏng chính và tổng quát nhất.